Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Phật giáo
bụi hồng 倍紅
dt. dịch chữ hồng trần 紅塵, bụi đỏ, nghĩa ban đầu trỏ bụi bay do xe cộ đi lại. Ban Cố trong Tây Đô Phú có câu: “bụi hồng khắp nổi, mây khói cùng chen” (紅塵四合,烟醞相連 hồng trần tứ hợp, yên uẩn tương liên). Sau bụi hồng để trỏ chốn phồn hoa đô hội. Từ Lăng nhà trần đời Nam Triều trong Lạc Dương đạo ghi: “Dặm liễu ba xuân thẳm, bụi hồng bách trò xôn.” (緣柳三春暗,紅塵百戲多 duyên liễu tam xuân ám, hồng trần bách hý đa). Sau Đạo giáo và Phật giáo dùng chữ “bụi hồng” để trỏ cái nhân thế ô tạp khổ ải. Giả Trọng Danh trong bài Kim an thọ có câu: “Chàng bằng nay lên chốn mây đỏ, đến nơi cửa khuyết, bước chốn dao đài, so với cõi hồng trần hẳn là một lần cảnh giới.” (你如今上丹霄,赴絳闕,步瑤台,比紅塵中别是一重境界). Thân nhàn dạo khắp tây đông, đường tới mười thu khỏi bụi hồng. (Thuật hứng 62.2).
hùm nằm chực 𤞻𦣰直
đc. hổ nằm phủ phục bên cạnh. Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.3), trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hoá được muông thú. Nguyễn Trãi trong bài Du nam hoa tự có câu: “hàng long phục hổ cơ màu huyền diệu sao?” (降龍伏虎機何妙 hàng long phục hổ cơ hà diệu) [ĐDA 1976: 745]. Nguyên từ điển ngữ hàng long phục hổ (khiến rồng hổ đều phải hàng phục). Phật giáo và Đạo giáo đều có điển này. Sách Bão Phác Tử ghi: “Đạo sĩ triệu bính dùng hơi mà ngăn người, người chẳng thể đứng dậy, ngăn hổ, hổ gục xuống đất, gằm đầu nhắm mắt, liền trói được hổ.” (道士趙炳 ,以氣禁人,人不能起。禁虎,虎伏地,低頭閉目,便可執縛). Đạo Tuyên trong Tục Cao Tăng Truyện phần Tập thiền truyện tăng trù có đoạn: “sư nghe thấy hai hổ đánh nhau, thét gầm chuyển núi, bèn dùng tích trượng đánh giải, hai hổ chạy mất” (聞两虎交鬭,咆响振巖, 乃以錫杖中解,各散而去). Đạt ma đa la (dharmatrāta) một a la hán thần thông tự tại, thường du hoá trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là la hán phục hổ, cùng với la hán hàng long là hai vị được đưa thêm vào danh sách thập lục la hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hoá bằng trí tuệ và đạo pháp.
Ma Cật 摩詰
dt. tên tự của Vương Duy, 王維 (701-761), nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, thư Pháp Gia và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông còn được người đời gọi là Thi Phật. Ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã. Vương Duy còn là một nhạc sĩ, một nhà thư pháp, đặc biệt là một hoạ sĩ nổi tiếng. Ông cũng là người tinh thông về Phật học và theo trường phái thiền tông. Trong Phật giáo có duy Ma Cật Kinh, là kinh sách do duy Ma Cật dùng để giảng dạy cho môn sinh. Vương Duy là người kính trọng duy Ma Cật do ông có tên là duy, tự là Ma Cật. Năm khai nguyên thứ 9 (721) thời đường huyền tông, Vương Duy đỗ tiến sĩ, nhận chức quan đại nhạc thừa, sau phạm lỗi, bị khiển trách và phải đến tế châu làm Tham quân. Năm khai nguyên thứ 14 (726), ông từ bỏ quan chức, nhưng sau đó lại nhận chức hữu thập di, thăng tới giám sát ngự sử. Năm 40 tuổi, được thăng lên điện trung truyền ngự sử. Năm thiên bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn chiếm trường an. Vương Duy bị An Lộc Sơn bức bách ra làm quan, nhưng sau không được như ý, ông đã lui về ở lam điền, sáng tác thơ ca để biểu đạt lòng mình. Sau khi An Lộc Sơn thất bại, nhờ có em trai là vương tấn khi đó đang giữ chức quan cao nên Vương Duy được miễn tội và được phong chức thái tử trung doãn, sau thăng tới Thượng thư hữu thừa, vì thế người đời còn gọi ông là vương hữu thừa. Tô Đông Pha có câu: “Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ; ngắm hoạ của Ma Cật, trong hoạ có thơ.” (味摩詰之詩, 詩中有畫; 觀摩詰之畫, 畫中有詩 vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu hoạ; quan Ma Cật chi hoạ, hoạ trung hữu thi). Đồng kỳ xương đời Minh thì cho Vương Duy là ông tổ của phong cách hoạ sơn thuỷ nam tông (nam tông hoạ chi tổ). Bút thiêng Ma Cật, tay khôn mạc, câu kháo Huyền Huy, ý chửa đông. (Thuỷ thiên nhất sắc 213.5).
sắc không 色空
dt. sắc và không là hai trạng thái của các vật nơi cõi trần: sắc là có hình tướng hiện ra thấy được; không là không hình tướng, không thấy được. Sắc và không ấy là nói tương đối với con mắt phàm của chúng ta: có hình tướng mà mắt thấy được gọi là sắc, còn mắt phàm không thấy gì cả thì gọi là không. Kinh bát nhã của Phật giáo có câu: sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc). Theo quan niệm về nhân sinh của Phật giáo, muôn vật do sự biến đổi mà sinh ra, vốn không có thiệt. Thân thể của chúng ta hay của vạn vật là sắc, chỉ có tạm trong một thời gian sống, sau đó chết đi, xác thân rã tan biến trở lại thành không. Rồi từ chỗ không lại biến hoá thành hình tướng tức là sắc. Ai nhận biết được chân lý sắc không này thì không còn chấp cái sắc tướng, tức là chấp cái xác thân nơi cõi trần, thì người đó dứt được phiền não. Chiều mai nở chiều hôm rụng, sự lạ cho hay tuyệt sắc không. (Mộc cận 237.4). “sự lạ cho hay tuyệt sắc không, là một lời phát biểu điều tác giả tâm đắc về một chân lý của Phật mới được đốn ngộ. sự lạ là tiếng than khi nhận biết, đắc ngộ được một điều gì. Chiều mai nở chiều hôm rụng của bông hoa được tác giả nhận biết làm cho tác giả lĩnh hội được thuyết sắc không. Hoa sớm nở tối tàn, thì có bao giờ, có giây phút nào cái hoa thực sự được tồn tại ? như trên đã nói mọi vật đều là biểu hiện của tâm, cho nên là hư ảo và vô thường. Như vậy cũng có nghĩa là mọi vật luôn luôn trong sự biến hoá, luôn luôn đang sinh và luôn luôn đang diệt. Và, từ đó mà cũng là hư ảo, là không. Cho hay tuyệt sắc không, có nghĩa: mới biết tất thảy mọi vật trên thế gian xem như có dáng sắc thật đó mà kỳ thực chỉ là hư không. Kết quả vô minh không còn, vì lòng khát khao, tham luyến cũng dứt. Việc làm bây giờ không tạo được quản, thì quả của nghiệp trước được chồng chất phải hết, như vậy là thoát khỏi luân hồi, sinh tử đạt tới niết bàn.” [NN Luân 1992: 40].
vượn đam trái 猿冘𣡚
đc. <Phật> hình tượng thường gặp trong kinh điển Phật giáo. Tống Nhân Tông có bài phú rằng: “làm đệ tử Như Lai; làm tông thân tiên thánh. Vào ra ở dưới cửa vàng; hành tàng ngay trong điện báu. Hươu trắng ngậm hoa, vượn xanh hiến quả. Xuân nghe oanh hót líu lo, vui với cơ trời; hè nghe ve kêu khản tiếng, nào biết nắng nôi!” (作如來之弟子,為先聖之宗親,出入於金門之下,行藏寶殿之中,白鹿啣花,青猿獻菓,春聽鶯啼鳥語,妙樂天機;夏聞蟬噪高林,豈知炎熱 tác Như Lai chi đệ tử; vi tiên thánh chi tông thân. Xuất nhập ư kim môn chi hạ, hành tàng bảo điện chi trung. Bạch lộc hàm hoa, thanh viên hiến quả. Xuân tính oanh đề điểu ngữ, diệu lạc thiên cơ; hạ văn thiền táo cao lâm, khỉ tri viêm nhiệt). Diêu Miễn 姚勉 đời Tống trong tuyết pha văn tập có câu: “Gà vàng gắp thóc ở bếp hương tích; vượn ngọc dâng trái trong toà pháp vương.” (金雞銜粟於香積之厨玉猿獻果於法王之座 kim kê hàm túc ư hương tích chi trù; ngọc viên hiến quả ư pháp vương chi toạ). Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.4), ý nói hoa trái là thức ăn chay theo mùa (thì trai), vượn cứ thế mà hái dâng. Bài thơ có thể được viết khi Nguyễn Trãi giữ chức quan coi chùa Côn Sơn. Thời lành cả mở hội lành, reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà. Vầy đoàn yến múa, oanh ca, vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh (Tư Dung ). Mỗi khi đến thời tiết tam nguyên và Phật đản thì có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh dâng cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền thính pháp; đáng gọi là nơi tịnh độ tiêu dao vậy (gia định thành thông chí).
ảo hoá 幻化
tt. AHVhuyễn hoá, nghĩa gốc là “sự biến đổi”, trong đó huyễn = hoá (từ kép đẳng lập), như: “幻化也” (Quảng Vận). Liệt Tử phần chu mục vương ghi: “Những việc mà đến lúc cùng thì sẽ biến đổi, nhân theo hình mà thay đổi, đó gọi là hoá, gọi là ảo…… nên biết rằng việc ảo hoá không khác gì với việc sống chết.” (窮數達變,因形移易者,謂之化,謂之幻.…知幻化之不異生死也). Sau được dùng để dịch thuật nhữ māyā-upamatā của Phật giáo, trỏ vạn vật không có thực tính. Đào Uyên Minh trong bài Quy viên điền cư có câu: “đời người tựa ảo hoá, thảy đều về hư vô” (人生似幻化,終當歸空無 nhân sinh tự ảo hoá, chung đương quy không vô). Toàn Đường Thi (q.806) bài Hàn san thi có câu: “phù sinh ảo hoá như đèn lụi, thân vùi dưới đất ấy hữu - vô” (浮生幻化如燈燼,塚內埋身是有無 phù sinh ảo hoá như đăng tận, trủng nội mai thân thị hữu vô). Người ảo hoá khoe thân ảo hoá, khuở chiêm bao thốt sự chiêm bao. (Thuật hứng 47.3). ai ai sá cóc: bằng huyễn chiêm bao; xẩy tỉnh giấc hoè, châu rơi lã chã. Cóc hay thân huyễn, chẳng khác phù vân; vạn sự giai không, tựa dường bọt bã. [Trần Nhân Tông - Đắc Thú lâm tuyền 31a]. kinh kim cương có câu: “tất thảy phép hữu vi, như bóng bọt mộng ảo” (一切有爲法,如夢幻泡影 nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh).